Kinh tế ngày càng phát triển đi đôi với việc thu nhập của người dân ngày càng tăng, do đó số lượng người sở hữu ô tô cá nhân cũng nhiều hơn bởi ngoài việc dùng dể di chuyển đi lại trong thành phố những lúc nắng mưa thì họ có thể đi du lịch hay về quê ăn tết, đặc biệt là đối với những người xa quê.
Vì thế, có thể nói rằng chắc chắn là ít nhất một lần trong đời bạn phải lái xe đường dài, có thể là vài trăm cây số, người thì lên đến nghìn mấy. Khác với những đoạn đường hằng ngày chúng ta di chuyển với việc đã quá quen thuộc từng ngõ ngách thì quãng đường dài sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm mà ta không thể lường trước được.
Đơn cử như ổ gà, ổ voi trên đường, những đoạn cua gấp khuất tầm nhìn, đường giao nhau với khu đông dân cư mà có thể xảy ra tình trạng bất ngờ khiến ta xử lí không kịp,… Do đó bạn cần bỏ túi những kinh nghiệm lái xe đường dài dưới đây để có những chuyến đi an toàn hơn!
1. CHUẨN BỊ TỐT MỌI THỨ TRƯỚC KHI XUẤT PHÁT
Đây là bước cực kì quan trọng trước mỗi chuyến đi để ta có một trạng thái tốt nhất tránh những sự cố bất ngờ. Vậy bạn cần chuẩn bị gì?
Sức khỏe: Quãng đường có thể lái xe cả ngày, thậm chí là xuyên đêm, với trạng thái sinh học của con người nếu bạn không được ngủ đủ giấc trước đó, chắc chắn bạn không thể nào đủ tỉnh táo để lái xe. Đây là một điều cực kì nguy hiểm bởi có những vấn đề đột xuất trên đường đòi hỏi cần thật sự tập trung và xử lí nhanh, đặc biệt là với tình trạng giao thông vốn phức tạp của Việt Nam.
Kiểm tra xe: Đây là một điều cần thiết, bạn nên cho xe đến các Garage để kiểm tra hệ thống phanh, lốp, nhớt xe, đèn, còi,…nếu đã sử dụng quá lâu bạn cần thay mới. Ngoài ra, tùy vào điều kiện địa hình bạn có thể chuẩn bị thêm một số thiết bị cần thiết như bộ đèn chiếu sương mù,… Ad nhớ có một lần bị hỏng lốp lúc 1h sáng, tìm hoài không thấy chỗ sửa, khi ấy mới thấy được tầm quan trọng của lốp dự phòng.
Tìm hiểu quãng đường: Cần tìm hiểu thêm về thời tiết, địa hình sắp di chuyển, hỏi thăm thêm một số người đã từng đi lộ trình ấy để có những lưu ý cũng như chuẩn bị tinh thần thật tốt cho việc lái xe.
2. “CHẬM MÀ CHẮC”
Kinh nghiệm thứ hai bạn cần nhớ đó là “chậm mà chắc” hay nói cách khác là lái theo kiểu phòng thủ. Điều này được hiểu là có rất nhiều vấn đề bất ngờ xảy ra trên đường, chẳng hạn như con chó băng ngang qua đường, bị xe đối diện lấn làn vượt ẩu,… nếu bạn không đề phòng, lái xe với tốc độ nhanh thì chắc chắn sẽ có tai nạn xảy ra.
Vào các dịp tết, số lượng người về quê rất đông, nhu cầu tăng cao dẫn đến sự khan hiếm vé xe, giá tăng gấp đôi gấp ba. Các nhà xe buộc phải tăng chuyến bằng cách rút ngắn khoảng thời gian nằm bãi chờ và di chuyển của các xe. Mà nói đi cũng phải nói lại, một năm họ chỉ làm ăn được vài dịp lễ và dịp tết thôi. Nhưng đáng nói ở đây là việc chạy ẩu một cách kinh hoàng, lấn làn bấm còi liên tục.
Do đó di chuyển đường dài trong thời điểm ấy, các bạn cần hết sức tập trung vào việc lái xe. Quan sát qua kính chiếu hậu xe khách đang vượt, tốt nhất bạn nên nhường đường cho họ. Có thể là họ sai luật, nhưng khi đó hãy nghĩ đến an toàn cho mình và những người ngồi trên xe, chậm một chút, nhường một chút nhưng an tâm. Bởi nếu có vấn đề xảy ra thì xe nhỏ lúc nào cũng bị ảnh hưởng nặng hơn.
Ngoài ra trên những đoạn đường quốc lộ có đường băng ngang hay khu dân cư, những trường hợp như người đi bộ vượt con lươn qua đường, chạy ẩu cắt đầu xe của những thanh niên “trẻ trâu” hay ô tô chở hàng đâm sầm ra đường với tốc độ cao,…bạn cần chạy thật chậm mới né được những trường hợp như trên.
Đặc biệt đừng có tâm lí “tôi đi đúng luật tôi không sợ”, với tình trạng giao thông phức tạp của Việt Nam cộng với sự kém ý thức của một số người đến lúc có tai nạn xảy ra, dù bạn đúng hay sai thì cũng là một rắc rối rất lớn cản trở chuyến đi của bạn, tệ hơn là để lại hậu quả về sau.
Ad xin nhắc lại một lần nữa “chậm mà chắc“
3. VƯỢT XE AN TOÀN
Kỹ năng vượt chắc các bạn cũng đã được học thành thạo ở các trường dạy lái xe và kì thi sát hạch, tuy nhiên trong thực tế cần chú ý nhiều yếu tố khác xung quanh tùy vào từng trường hợp.
Để vượt xe an toàn, chúng ta tuyệt đối không vượt ở khúc cua gấp không thể quan sát được, không vượt về bên phải khi đoạn đường chỉ có 1 làn di chuyển cho mỗi chiều đường, trên cầu, hầm đường bộ, đoạn đường có vạch phân chia liền nét không được vượt,…
Cần quan sát xem xe phía sau có dấu hiệu vượt xe mình không chứ nếu mình đang vượt mà xe sau lại vượt ẩu thì “toang”. Trước khi vượt, bạn cần bật xi nhan trước 3 giây để báo hiệu cho xe phía trước và phía sau rồi mới được vượt, nhớ giữ khoảng cách an toàn nhé.
Ngược lại khi có người khác muốn vượt mình, một số bác tài không thích đôi khi vì lí do sợ họ vượt lên đi chậm cháng lối của mình hay đơn giản là không thích. Điều này không nên đâu. Khi có xe muốn vượt, các bạn có thể xi nhan qua phải giảm tốc độ chú ý quan sát bên lề đường xem có xe máy không để nhường cho người ta vượt an toàn.
4. LÀM CHỦ TỐC ĐỘ, TRÁNH ĐÁNH LÁI LIÊN TỤC
Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, hệ thống phanh và lực của xe hơi cũng hiện đại hơn, việc phanh gấp hay vào cua ở tốc độ cao cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sự an toàn.
Tuy nhiên, bạn là người cầm lái, bạn sẽ quan sát được tình hình và chuẩn bị trước tinh thần để “đón nhận vấn đề”, còn những người ngồi phía sau lại không biết điều đó, bị giật lắc liên tục dẫn đến việc say xe.
5. ĐOẠN ĐƯỜNG CẦN TĂNG TỐC
Trong suốt đoạn đường dài, thật ra không phải lúc nào các bạn cũng cần lái chậm vì như vậy sẽ chẳng biết khi nào đến nơi. Những đoạn đường vắng, hai bên không có nhà dân, không bị cây cối che khuất tầm nhìn, không rơi vào giờ cao điểm,..các bạn có thể bắt đầu tăng tốc. Cần chú ý một chút đến tốc độ quy định trên các biển báo bên đường nếu không lại “ăn biên bản” đấy nhé.
Một điểm cần lưu ý nữa là trời mưa tuyệt đối không được chạy nhanh nhé, bởi mưa thì ai cũng vội, tăng ga chạy tìm chỗ trú chẳng hạn, khi ấy thường xe máy chạy rất ẩu, bạn điều khiển ô tô mà phanh gấp thì rất dễ bị trượt bánh do đường trơn, vì vậy tốc độ khoảng 50km/h.
Trên đây là một số những kinh nghiệm tích lũy được của các bác tài giàu kinh nghiệm trong việc lái xe đường dài. Hy vọng nó thật sự hữu ích cho các bạn. Chúc các bạn có những chuyến đi vui vẻ!