Đánh Giá

Ở Việt Nam, phương tiện giao thông cơ bản nhất mà hầu như nhà nào cũng có đó chính là xe gắn máy. Có nhiều lí do để nó trở thành sự lựa chọn phổ biến nhất như: giá thành phù hợp với thu nhập (vài chục triệu đồng tùy vào từng loại); gọn nhẹ dễ di chuyển với các tình trạng kẹt xe ở hầu hết các tuyến đường thành phố; chi phí sửa chữa bảo dưỡng không tốn kém như ô tô,…

Xe gắn máy

Chính vì đây là loại phương tiện di chuyển cơ bản nhất, sử dụng hằng ngày nên nó phải được “chăm sóc” một cách kĩ càng bởi các phương tiện giao thông bạn sử dụng ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của bạn. Thực tế rằng đã có biết bao nhiêu vụ tai nạn thương tâm xảy ra, ngoài những lí do khách quan thì có rất nhiều lí do chủ quan như thắng xe, hoạt động của bugi,… mà nếu ta cẩn thận kiểm tra định kì thì sẽ không xảy ra những sự cố đó.

Vì vậy, bài viết hôm nay có chủ đề: Kinh Nghiệm Bảo Dưỡng Xe Máy Bạn Cần Biết, Tiến Thành hi vọng rằng đây sẽ là hồi chuông nhắc nhở các bạn cần phải quan tâm hơn đến chiếc xe gắn máy của mình để có những chuyến đi thật an toàn, các bạn nhớ nhé!

ĐỊNH KÌ BẢO DƯỠNG XE

Cũng như ô tô, xe gắn máy cũng được bảo dưỡng định kì theo số km đi được hay theo thời gian. Về thời gian có thể là cách nhau mỗi 4 tháng 1 lần, còn về km thường được tính theo đơn vị nghìn cây số. Thường theo thực tế Ad thấy, những chiếc xe gắn máy mới mua, đang trong thời gian bảo hành sẽ được bảo dưỡng định kì theo km còn khi đã sử dụng lâu rồi chủ xe có xu hướng bảo dưỡng theo thời gian hơn.

Ngoài những lần bảo dưỡng định kì như trên, trước những chuyến đi xa, bạn nên mang xe đi kiểm tra một cách cẩn thận để tránh những trường hợp bất trắc trên đường mà ta không lường trước được, an toàn cho bạn và cả những người xung quanh.

bảo dưỡng xe tay ga

Quy trình bảo dưỡng xe máy được thực hiện đối với phần khung sườn, phần động cơ và hệ thống truyền lực:

  • Đối với phần khung sườn: kiểm tra vành xe, nan hoa, bảo dưỡng cổ phuộc, bảo dưỡng giảm sóc trước và sau, bảo dưỡng phanh trước, bảo dưỡng các loại dây cáp, bôi trơn các chi tiết chuyển động, bảo dưỡng tra dầu tay ga cũng như dây ga,….
  • Đối với phần động cơ: bảo dưỡng chế hoà khí, rửa bầu lọc khí, chỉnh chế độ nhiên liệu, vệ sinh bugi, căn chỉnh xúp páp, điều chỉnh côn, đổ thêm nước nạp ắc quy, (kiểm tra) thay dầu máy, hệ thống phun xăng,…
  • Đối với phần truyền lực: bảo dưỡng nhông xích tải, bảo dưỡng phanh, tra mỡ trục càng sau, kiểm tra cần khởi động, giàn để chân, xiết lại toàn bộ ốc trên hệ thống khung xe và cuối cùng là rửa xe.

CÁC BỘ PHẬN NÀO CẦN ĐƯỢC BẢO DƯỠNG?

1. Thay dầu nhớt xe

Đúng như tên gọi của nó, dầu nhớt xe có tính chất “nhớt” nên được dùng để bôi trơn các chi tiết cũng như động cơ, giúp cho xe được vận hành êm ái. Khi bạn đi xe quá lâu mà không chịu thay nhớt, lượng nhớt tồn tại trong xe được hiểu nôm na là nhớt “dơ”, không còn phát huy được tác dụng, vì vậy các chi tiết dễ dàng bị hư hỏng.

Với các chiếc xe đã sử dụng lâu năm, bạn nên thay nhớt định kì 2000-3000km đi được hay nếu tính theo thời gian thì khoảng 3-4 lần/năm. Còn đối với những xe mới mua thì sẽ có chương trình bảo hành riêng tùy vào mỗi nhà sản xuất để đảm bảo giai đoạn đầu xe được “chăm sóc” một cách kĩ càng, khoa học, tăng tuổi thọ về sau.

Ngoài ra, dầu phanh cũng một điểm quan trọng bạn cần phải lưu ý bởi dầu phanh có thể bị nhiễm tạp chất sinh ra bọt khí trong quá trình hoạt động, làm giảm hiệu quả phanh hoặc làm phanh cứng, giật. Do đó cần được kiểm tra và thay mới khi cần thiết.

2. Bugi

Bugi là bộ phận đánh lửa đốt cháy nhiên liệu và sinh công suất cho xe. Những trường hợp khởi động xe không nổ đa số đều xuất phát từ lỗi của bugi.  Đầu bugi mòn sẽ gây hiện tượng đánh lửa không đều, động cơ hụt hơi, hao xăng. Mặc dù bugi là một bộ phận có độ bền cao nhưng bạn cũng nên kiểm tra và thay thế định kỳ 10.000 km/ lần để xe luôn vận hành tốt nhất.

Bugi xe máy

3. Lọc gió 

Đây được xem là bộ phận quan trọng của xe gắn máy. Đúng như cái tên của nó, lọc gió có chức năng lọc luồng không khí vào trong buồng đốt, giúp loại bỏ bụi bẩn, nước…các tạp chất ra khỏi không khí, để có một luồng không khí sạch đi vào, làm tăng hiệu suất đốt cháy nhiên liệu hơn.

Sau một thời gian sử dụng bạn không vệ sinh, bụi bẩn tích tụ thành các lớp khiến lọc gió không còn tác dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự vận hành của xe. Định kì thay mới lọc gió là 10.000 km.

4. Dầu láp

Dầu láp còn có tên gọi khác là dầu cầu, dầu hộp số, nhớt hộp số… Loại dầu này có tác dụng bôi trơn bộ bánh răng truyền động bánh sau của xe tay ga. Thông thường hiện nay, một chiếc xe tay ga cần được thay dầu láp theo công thức: 3 lần thay dầu máy/1 lần thay dầu láp.

5. Nhông xích (xe số) và dây cu-roa (xe ga)

Nhông xích xe máy mòn làm giảm hiệu suất truyền động, dễ xảy ra tuột, đứt khi đang đi, bánh sau bị trượt lết do nhông phía sau vướng vào xích gây kẹt cứng, làm tăng nguy cơ tại nạn khi tham gia giao thông.

Bảo dưỡng xe máy

 

Còn đối với dây cu-roa là bộ phận truyền động chính của xe ga, thường xuyên chịu lực căng lớn vì vậy rất dễ mòn dẫn đến xe ì ạch, nóng máy. Nếu dây quá mòn có thể bị đứt, gây mất truyền động rất nguy hiểm.

Vì vậy cần chú ý kiểm tra bộ phận này trong mỗi lần bảo dưỡng xe định kì, nếu thấy cần thiết bạn có thể thay mới.

6. Nước làm mát

Nước làm mát có vai trò là cầu nối trung chuyển nhiệt lượng từ thân động cơ ra két làm mát. Chất lượng nước làm mát sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của hệ thống làm mát. Vì vậy, việc kiểm tra và bổ sung nước làm mát sau mỗi lần bảo trì sẽ giúp cho xe hoạt động tốt hơn. Sau khi đi được 20.000 km, bạn có thể bổ sung nước làm mát một lần, giá cả thì cũng không quá đắt đỏ đâu.

Đối với các bạn nam thì vấn đề về xe cũng như các bộ phận của xe sẽ am hiểu nhiều hơn các bạn nữ nên mong rằng bài viết này sẽ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho mọi người, đặc biệt là phái nữ để chăm sóc “người bạn” của mình thật tốt và luôn có những chuyến đi thật an toàn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *